connect-telegram

USP là gì? Hướng dẫn cách tạo USP cho sản phẩm cá nhân

USP (Unique Selling Point hoặc Unique Selling Proposition) của sản phẩm chính là điểm bán hàng độc đáo của sản phẩm. Nhiều nhà bán lẻ kinh doanh trực tuyến luôn tìm cách xây dựng USP cho sản phẩm của họ. Vậy, cụ thể USP là gì và làm sao để tạo được USP duy nhất cho thương hiệu của mình? Cùng BurgerPrints tìm hiểu trong bài viết này nhé!

USP của sản phẩm là gì?

USP (Unique Selling Point hoặc Unique Selling Proposition) là khái niệm chỉ ra yếu tố độc đáo và khác biệt của một sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn so với các đối thủ cạnh tranh. Đây là lý do tại sao khách hàng nên chọn sản phẩm của bạn thay vì sản phẩm khác trên thị trường. USP có thể là bất kì yếu tố nào liên quan đến chất lượng, giá trị, tính năng, dịch vụ hoặc yếu tố khác mà sản phẩm mang lại, giúp sản phẩm/ dịch vụ của bạn trở nên đặc biệt và thu hút người mua hàng.

Vai trò của USP khi kinh doanh

Thực tế trên thị trường hiện nay, USP đóng vai trò vô cùng quan trọng trong kinh doanh với các chức năng chính sau:

  • Định vị thương hiệu: USP giúp xác định “vị trí” của sản phẩm / dịch vụ trong tâm trí khách hàng, tạo ra một hình ảnh sắc nét, rõ ràng và dễ nhận diện. Khách hàng sẽ nhớ đến sản phẩm của bạn qua những đặc điểm nổi bật và khác biệt. Từ đó, giúp khách hàng ghi nhớ thương hiệu của bạn lâu hơn, dễ dàng mua hàng hơn.
  • Tạo sự khác biệt, tăng khả năng cạnh tranh: Trong thị trường cạnh tranh, USP giúp sản phẩm / dịch vụ của bạn nổi bật hơn so với các đối thủ cùng ngành. USP cung cấp cho khách hàng lý do cụ thể để chọn sản phẩm của bạn thay vì các lựa chọn khác. Đây là điểm mấu chốt giúp chuyển đổi mua hàng.
  • Tăng giá trị thương hiệu: Một USP mạnh mẽ làm tăng giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ trong mắt khách hàng, giúp doanh nghiệp không chỉ xây dựng được lòng tin mà còn tăng lòng trung thành của người mua.
  • Tối ưu chiến lược marketing: USP đúng đắn sẽ giúp hướng dẫn và tập trung chiến lược marketing, giúp truyền tải thông điệp cụ thể đến đúng đối tượng khách hàng. Quan trọng hơn hết, USP cũng giúp giảm chi phí marketing do doanh nghiệp biết rõ mình cần quảng bá điều gì, truyền tải thông điệp ra sao.
  • Hỗ trợ việc định giá lại sản phẩm: Nếu USP của sản phẩm / dịch vụ mang lại giá trị cao hoặc giải quyết được vấn đề quan trọng của người mua, người bán hoàn toàn có cơ sở để định giá cao hơn mà vẫn được thị trường chấp nhận.
Nội dung liên quan:  [:en]Print on Demand with Wicca and Witchcraft niche[:vi]Nhân dịp Halloween cùng khám phá về ‘Thế giới phù thủy’[:]

3 đặc điểm mà USP cần có

Như đã đề cập ở trên, USP của một sản phẩm, chính là điểm độc đáo của sản phẩm giúp giải quyết được bài toán của người mua. Vì vậy, một USP bắt buộc phải đáp ứng 3 đặc điểm sau đây:

  • Tính độc đáo: USP phải thể hiện được điểm khác biệt duy nhất mà sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại. Đó có thể là tính năng hữu hình hoặc vô hình, là lợi ích hoặc phương pháp tiếp cận mà đối thủ cạnh tranh không có hoặc không làm tốt bằng. Tính độc đáo không nhất thiết là chưa từng có trên thị trường. Nếu người trước không làm được, thì bạn vẫn có cơ hội thực hiện lại.
  • Giải quyết được bài toán nhu cầu khách hàng: USP cần tập trung vào lợi ích, mong muốn cụ thể nào đó mà người mua đang tìm kiếm hoặc vấn đề mà họ muốn giải quyết. USP phải phản ánh được các giá trị mà người mua coi trọng, từ đó có được vị trí trong tâm trí, rồi dần dần thu hút họ mua hàng và giữ chân họ.
  • Dễ truyền tải và ghi nhớ: USP phải thật đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ để có thể truyền tải nhanh chóng đến người mua và giữa những người mua với nhau. Một USP rõ ràng, hiệu quả sẽ giúp người mua nhận diện ngay lập tức lý do họ nên chọn sản phẩm / dịch vụ của bạn.

Cách tạo nên USP cho sản phẩm của mình

Để tạo nên USP (Unique Selling Proposition) hiệu quả cho sản phẩm / dịch vụ của mình, bạn hoàn toàn có thể thực hiện theo các bước đơn giản sau:

Bước 1: Hiểu rõ khách hàng mục tiêu

Khi tiến vào một thị trường kinh doanh trực tiếp, chân dung khách hàng là điều đầu tiên mà bạn cần vẽ ra. Bạn cần xác định rõ đối tượng khách hàng mà sản phẩm / dịch vụ bạn muốn hướng đến. Tìm hiểu về nhu cầu, sở thích, thói quen, vấn đề và kỳ vọng của họ khi dùng sản phẩm của bạn ra sao.

Có rất nhiều phương pháp để thu thập dữ liệu này, bạn có thể sử dụng khảo sát, phỏng vấn hoặc phân tích dữ liệu khách hàng,… để hiểu rõ người mua đang tìm kiếm điều gì trong sản phẩm hoặc dịch vụ hiện nay.

Bước 2: Phân tích đối thủ cạnh tranh

Xem xét trên thị trường, các đối thủ đang cung cấp giải pháp / sản phẩm / dịch vụ gì và điểm mạnh, điểm yếu của họ như thế nào. Điều này giúp bạn tránh lặp lại những gì đối thủ đã làm và tìm ra cách để nổi bật.

Đánh giá USP của đối thủ để biết họ nhấn mạnh vào điểm nào, đã chưa làm được điểm nào. Từ đó, bạn bắt đầu tìm kiếm cơ hội để tạo ra sự khác biệt. Bạn không nên tranh giành vị trí mà đối thủ đã có trong tâm trí người dùng. Hãy tìm một USP khác biệt, dường như bạn đã thành công một nửa.

Bước 3: Xác định điểm mạnh, giá trị cốt lõi của sản phẩm

Tập trung vào những lợi thế riêng mà sản phẩm của bạn mang lại, có thể là về chất lượng, giá cả, dịch vụ hỗ trợ, giá trị tăng thêm, tính năng độc đáo, hoặc quy trình sản xuất đặc biệt. Tìm ra những yếu tố mà bạn có thể làm tốt hơn hoặc độc đáo hơn so với đối thủ.

Nội dung liên quan:  [:en]5 major phrases to overview a Print on Demand business[:vi]5 cụm từ chính tổng quan về việc kinh doanh in theo yêu cầu[:]

Và hơn hết, USP nên phản ánh giá trị cốt lõi mà sản phẩm / dịch vụ của bạn mang lại cho khách hàng. Điều này có thể là giải quyết một vấn đề quan trọng, cấp thiết, mang lại trải nghiệm tốt hơn, hoặc đáp ứng một nhu cầu đặc biệt.

Bước 4: Đơn giản hóa và rõ ràng

USP cần phải ngắn gọn, súc tích, và dễ hiểu nhằm đảm bảo việc truyền tải nhanh chóng mà vẫn đảm bảo ý nghĩa.

Bạn nên tránh sử dụng các thuật ngữ quá phức tạp, có thể hiểu nhiều nghĩa hay khó hiểu. Hãy chắc chắn rằng thông điệp của bạn có thể được truyền tải nhanh chóng và dễ nhớ.

Bước 5: Kiểm chứng với thị trường

Sau khi tạo ra USP của một sản phẩm / dịch vụ cụ thể, điều cần làm tiếp theo chính là kiểm chứng mức độ chấp nhận của thị trường. Đầu tiên bạn nên thử nghiệm thông điệp với một nhóm nhỏ khách hàng để xem liệu USP này có thu hút và thuyết phục họ không. Điều này giúp bạn điều chỉnh và tối ưu trước khi áp dụng rộng rãi.

Lưu ý rằng, đừng quá tập trung vào việc thị trường sẽ chấp nhận và mua hàng của bạn với USP ngay từ đầu. Hãy kiểm chứng nhiều lần sẽ giúp USP của bạn thêm bền vững.

Bước 6: Tích hợp vào chiến lược marketing

Khi đã có USP rõ ràng, hãy đảm bảo nó được tích hợp vào tất cả các hoạt động marketing, từ quảng cáo, truyền thông xã hội đến website, nội dung và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Nó sẽ là thông điệp chủ đạo xuyên suốt các chiến dịch quảng bá.

Ví dụ: Nếu sản phẩm của bạn có chất lượng cao hơn nhờ quy trình sản xuất tiên tiến, hãy nhấn mạnh vào điều đó trong USP, chẳng hạn như “Sản phẩm công nghệ hàng đầu với độ bền vượt trội” hoặc “Thiết kế tinh tế, công nghệ hiện đại đáp ứng mọi nhu cầu”.

Ví dụ về các thương hiệu đã xây dựng USP thành công

Kinh doanh luôn đi kèm với cạnh tranh và không ai có thể “dẫn đầu” mãi. Người đến sau có thể làm tốt hơn, và nếu không đổi mới, sáng tạo, doanh nghiệp dễ bị loại khỏi cuộc chơi. Cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu khiến khách hàng khó lựa chọn, trong khi họ là mục tiêu cả bạn và đối thủ đều muốn chinh phục. Vì vậy, bạn cần xác định USP của sản phẩm để tạo dấu ấn riêng và nâng cao hiệu quả marketing. Sau đây sẽ là 5 ví dụ đã xây dựng thành công USP cho thương hiệu của mình

1. VinFast – ”Vinfast mãnh liệt tinh thần Việt Nam”

Vinfast là thương hiệu ô tô thuộc tập đoàn Vingroup, nổi bật khi nằm trong danh sách “hàng Việt Nam chất lượng cao.” Họ đã xây dựng USP “Vinfast mãnh liệt tinh thần Việt Nam,” dựa trên lòng yêu nước sâu sắc của người Việt.

Với chiếc ô tô 100% do người Việt sản xuất và sở hữu, Vinfast đã khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu, trở thành niềm tự hào dân tộc. Hơn nữa, chi phí sản xuất trong nước giúp giá xe rẻ hơn nhiều so với xe nhập khẩu.

Nội dung liên quan:  So sánh Cross-Selling và Up-Selling: Nghệ thuật tăng doanh số bán hàng

Vinfast còn tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại nhất vào các dòng xe điện mang thương hiệu Việt.

2. Biti’s “ Nâng niu bàn chân Việt”

Đây là một trong những USP gắn liền với ký ức của nhiều người Việt, lần đầu ra mắt cách đây 20 năm.

“Nâng niu bàn chân Việt” là sứ mệnh mà Biti’s theo đuổi suốt nhiều năm, với các sản phẩm luôn có thiết kế đẹp, phù hợp với xu hướng của người dùng qua từng giai đoạn.

Sản phẩm “giày quốc dân” này còn luôn đảm bảo an toàn, êm ái và thoải mái khi sử dụng. Những yếu tố đó đã tạo nên một Biti’s độc đáo và khác biệt cho đến hiện tại.

3. Canva – “ “Empowering the world to design”

Canva là một nền tảng thiết kế và xuất bản trực tuyến, giúp mọi người dễ dàng tạo ra và chia sẻ các sản phẩm đồ họa. Trong khi các đối thủ cung cấp công cụ chỉnh sửa phức tạp, yêu cầu kỹ năng cao, Canva mang đến các tính năng đơn giản, giúp người mới có thể hoàn thành một thiết kế chuyên nghiệp như hình ảnh, tờ rơi, hay tài liệu chỉ trong vài phút. Nhờ xác định rõ vị trí trên thị trường, mà Canva đã tìm ra lợi thế cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ.

4. Domino’s Pizza – “You get fresh, hot pizza delivered to your door in 30 minutes or less or it’s free”

Domino’s Pizza, chuỗi cửa hàng nổi tiếng toàn cầu từ Mỹ, luôn nổi bật với thông báo trong mỗi cuộc đặt hàng: “Pizza nóng hổi, giao miễn phí trong 30 phút.”

Họ tập trung xây dựng USP của mình dựa trên chất lượng sản phẩm, đảm bảo pizza luôn tươi, nóng và được giao miễn phí chỉ trong 30 phút.

Đây là điểm khác biệt so với các đối thủ, nhờ hiểu rõ tâm lý khách hàng không muốn nhận pizza nguội, chờ đợi lâu, hay phải trả phí vận chuyển. USP của Domino’s không chỉ là lời cam kết về chất lượng và dịch vụ mà còn giải quyết ba vấn đề lớn của khách hàng, từ đó giúp thương hiệu thu hút đông đảo người tiêu dùng.

5. M&M’s – “The milk chocolate melts in your mouth, not in your hand”

M&M là một thương hiệu nổi tiếng với việc sản xuất và kinh doanh kẹo socola, đã tạo nên một USP độc đáo và thành công. Thông thường, socola sẽ tan chảy khi cầm trên tay, gây bẩn. Nhận thấy điều này, M&M đã phát triển một USP sáng tạo: kẹo không tan chảy khi cầm.

Điểm độc đáo này chứng minh rằng, chỉ cần mang lại lợi ích thực tế cho người dùng, USP sẽ phát huy hiệu quả. M&M đã nghiên cứu lớp vỏ kẹo giúp ngăn socola bên trong không bị tan bởi nhiệt độ tay, trở thành điểm cộng lớn trong mắt khách hàng.

Áp dụng các ví dụ này, bạn hoàn toàn có thể tìm ra USP cho sản phẩm POD của mình. USP có thể đơn giản là chất lượng in vượt trội, thời gian giao hàng nhanh chóng, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt, khả năng tùy chỉnh linh hoạt, và sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường. Những điểm khác biệt này sẽ giúp sản phẩm của bạn nổi bật so với đối thủ và thu hút được khách hàng mục tiêu, tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.

Bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm USP cũng như cách xác định USP độc đáo và hấp dẫn nhất cho sản phẩm của mình. Có vô số cách để quảng bá thương hiệu và bán hàng, nhưng USP chính là nền tảng giúp bạn định vị thương hiệu một cách hiệu quả, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng mà đối thủ cạnh tranh không thể cung cấp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

preloader