Việc xây dựng nội dung thương hiệu trên TikTok không chỉ đơn giản là tạo ra video quảng cáo mà còn là một nghệ thuật kết hợp sáng tạo, xu hướng và chiến lược tiếp cận đúng đối tượng. Trong bài viết này, BurgerPrints sẽ chia sẻ 5 ví dụ về nội dung có thương hiệu TikTok đáng học hỏi trong năm 2025, giúp bạn xây dựng thương hiệu của mình một cách hiệu quả và bền vững hơn trong tương lai.
Nội dung định hướng thương hiệu TikTok là gì?
Nội dung định hướng thương hiệu (branded content) trên TikTok là những video được tạo ra nhằm quảng bá cho một thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ của bên thứ ba để đổi lấy giá trị như tiền, quà tặng hoặc hoa hồng từ doanh số bán hàng. Đây là một hình thức hợp tác giữa nhà sáng tạo nội dung và doanh nghiệp, giúp thương hiệu tiếp cận khách hàng thông qua nền tảng TikTok.
Nội dung định hướng thương hiệu có nhiều dạng khác nhau, bao gồm:
- Nội dung được tài trợ: Thương hiệu trả tiền cho nhà sáng tạo để đăng tải video quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của họ.
- Nhận sản phẩm miễn phí để giới thiệu: Nhà sáng tạo nhận được sản phẩm từ thương hiệu và tạo nội dung giới thiệu hoặc đánh giá về sản phẩm đó.
- Tiếp thị liên kết: Nhà sáng tạo sử dụng đường dẫn liên kết hoặc mã giảm giá và nhận hoa hồng từ mỗi đơn hàng thành công.
- Đại sứ thương hiệu: Nhà sáng tạo ký hợp đồng dài hạn với thương hiệu để thường xuyên quảng bá sản phẩm, dịch vụ của họ.
Ý nghĩa của xây dựng nội dung định hướng thương hiệu
1. Tăng độ nhận diện thương hiệu
TikTok có hơn 1,59 tỷ người dùng trên toàn cầu, với hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng (DataReportal, 2025). Đây là nền tảng lý tưởng để thương hiệu mở rộng độ phủ sóng. Theo nghiên cứu từ Nielsen, 79% người dùng TikTok cho biết họ khám phá thương hiệu mới thông qua nền tảng này. Việc tạo ra các video sáng tạo giúp thương hiệu dễ dàng tiếp cận và ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng, từ đó nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu.
2. Kết nối với thế hệ trẻ
Theo DataReportal (2025), độ tuổi trung bình của người dùng TikTok vào tháng 1 năm 2025 nằm trong khoảng từ 18 đến 34 tuổi. Đây là thế hệ có thói quen tiếp nhận thông tin nhanh, yêu thích nội dung ngắn gọn, trực quan. Để tiếp cận nhóm đối tượng này hiệu quả, thương hiệu cần xây dựng nội dung phù hợp với xu hướng, phong cách và thói quen tiêu dùng của họ.
3. Thúc đẩy tương tác và doanh số
TikTok có tỷ lệ tương tác trung bình 2,50%, cao hơn nhiều so với Instagram (0,50%) và Facebook (0,15%) (Socialinsider, 2025). Việc tận dụng các thử thách hashtag (#Challenge), duet, stitch hoặc video có yếu tố giải trí giúp thương hiệu tạo kết nối mạnh mẽ với người dùng. Theo nghiên cứu của TikTok for Business, 67% người dùng cho biết TikTok đã truyền cảm hứng để họ mua hàng ngay cả khi chưa có ý định trước đó.
4. Tối ưu chi phí tiếp thị
So với các nền tảng quảng cáo khác, TikTok có chi phí quảng cáo thấp hơn nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao. Chi phí mỗi nghìn lượt hiển thị (CPM) trung bình trên TikTok là $6,06, trong khi trên Facebook, con số này cao hơn gấp đôi, đạt $12,57.
Đặc biệt, việc triển khai Branded Hashtag Challenge trên TikTok giúp thương hiệu tiếp cận hàng triệu người dùng thông qua các thử thách kèm hashtag độc đáo. Hình thức này không chỉ tăng cường mức độ tương tác mà còn thúc đẩy người dùng tự tạo nội dung liên quan đến thương hiệu, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.
Các ví dụ thành công về nội dung có thương hiệu TikTok
TikTok đã trở thành nền tảng mạnh mẽ để các thương hiệu kết nối với khách hàng thông qua nội dung sáng tạo và chiến lược tiếp thị độc đáo. Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu đã tghanhf công về nội dung có thương hiệu trên TikTok:
1. Fenty Beauty
Fenty Beauty là thương hiệu mỹ phẩm của Rihanna. Thương hiệu mỹ phẩm này đã nhanh chóng chiếm lĩnh TikTok nhờ chiến lược tiếp thị sáng tạo và tập trung vào sự đa dạng. Họ sử dụng các hashtag như #FentyFace và #FentyBeauty để khuyến khích người dùng chia sẻ trải nghiệm cá nhân khi sử dụng sản phẩm, tạo ra hàng triệu bài đăng và tăng cường sự gắn kết với cộng đồng.
Ngoài ra, Fenty Beauty còn hợp tác với nhiều influencer chuyên về làm đẹp, từ các chuyên gia trang điểm nổi tiếng đến những micro-influencer có lượng theo dõi trung bình nhưng tương tác cao. Những influencer này tạo ra nội dung chân thực, thử nghiệm sản phẩm theo xu hướng TikTok, để giới thiệu sản phẩm và hướng dẫn trang điểm, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận và sử dụng sản phẩm của họ.
Kết quả, đã có hơn 1,2 triệu video được tạo ra dưới hashtag #FentyBeauty. Thương hiệu này cũng trở thành một trong những thương hiệu làm đẹp phổ biến nhất trên TikTok với hàng triệu lượt tương tác mỗi ngày.
2. Gymshark
Thương hiệu thời trang thể thao Gymshark đã tận dụng TikTok để xây dựng cộng đồng người hâm mộ thông qua các thử thách tập luyện và hợp tác với các micro-influencer. Chiến dịch “#gymshark66” khuyến khích người dùng tham gia thử thách thử thách tập luyện trong 66 ngày liên tiếp và chia sẻ quá trình tập luyện qua video TikTok. Chiến dịch này đã thu hút hàng triệu lượt xem, lượt thích và bình luận.
Chiến dịch này đã đạt được hơn 1,9 tỷ lượt xem cho hashtag #Gymshark66, giúp Gymshark tăng trưởng 5,6 triệu người theo dõi trên TikTok chỉ sau 6 tháng. Đồng thời, doanh số bán hàng của Gymshark tăng vọt trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch.
3. Duolingo
Duolingo là một ứng dụng học ngôn ngữ, đã trở thành một hiện tượng trên TikTok bằng cách tận dụng trend và nội dung hài hước.
Duolingo thường xuyên sáng tạo nội dung theo các trào lưu đang hot, kết hợp với nhân vật linh vật cú Duo. Các video thể hiện tính cách hài hước, có chút “troll” của Duo, khiến người xem cảm thấy thương hiệu trở nên gần gũi hơn. Thêm vào đó, Doulingo phản hồi bình luận một cách dí dỏm, biến những lời nhắn của người dùng thành nội dung video mới, tương tác thường xuyên giúp Duolingo giữ chân fan và liên tục tạo ra nội dung mới từ chính cộng đồng.
Chiến lược này giúp Duolingo duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trên TikTok và gắn kết với người dùng một cách sáng tạo.
4. Petour ID
Petour ID là một thương hiệu chuyên về thiết bị định vị cho thú cưng, đã từng gặp khó khăn trong việc kết nối với khách hàng trên TikTok. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh chiến lược, họ đã đạt được thành công. Thay vì chỉ tập trung giới thiệu sản phẩm, Petour ID đưa sản phẩm vào các tình huống đời thường, ví dụ “Chú chó đi lạc được tìm thấy nhờ Petour ID.” hay “Một ngày của thú cưng có Petour ID sẽ ra sao?”
Chiến lược này đã mang lại kết quả ấn tượng cho Petour ID, với hơn 1,3 triệu lượt tiếp cận trong chiến dịch đầu tiên, cùng với sự gia tăng đáng kể về doanh thu với ROI tăng 10 lần, GMV tăng 8 lần.
5. Viettel Money
Viettel Money đã xây dựng kênh TikTok mạnh mẽ bằng cách, tạo nội dung hài hước, dễ hiểu, giúp người trẻ tiếp cận dịch vụ tài chính mà không cảm thấy nhàm chán. Cùng với đó, thương hiệu này cũng kết hợp các xu hướng phổ biến với thông điệp thương hiệu để tăng mức độ nhận diện và tương tác. Ngoài ra, Viettel Money còn tự sáng tạo nhạc nền riêng, khuyến khích người dùng sử dụng trong video để gia tăng nhận diện và tạo sự liên kết với khách hàng.
Chiến lược này đã giúp kênh TikTok của Viettel Money đạt được hơn 1 triệu người theo dõi, hàng trăm triệu lượt xem và hàng triệu lượt tương tác, củng cố vị thế của họ trong ngành Fintech.
Hướng dẫn xây dựng nội dung có thương hiệu hiệu quả trên TikTok
Để thành công xây dựng nội dung có thương hiệu hiệu quả trên TikTok, nội dung cần hấp dẫn, phù hợp với thuật toán TikTok và đảm bảo tính nhận diện thương hiệu. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết giúp bạn tối ưu nội dung có thương hiệu trên TikTok.
1. Xác định mục tiêu và đối tượng
Trước khi triển khai bất kỳ chiến dịch nào, thương hiệu cần xác định rõ ràng mục tiêu và nhóm đối tượng hướng đến. TikTok có một hệ sinh thái người dùng đa dạng, từ Gen Z, Millennials đến nhóm khách hàng trung niên ngày càng gia tăng. Hiểu rõ đối tượng mục tiêu sẽ giúp thương hiệu tạo ra nội dung phù hợp, đánh trúng tâm lý và sở thích của họ.
Ví dụ, nếu đối tượng khách hàng là Gen Z, nội dung cần mang tính sáng tạo, bắt trend nhanh và có yếu tố giải trí cao. Ngược lại, nếu nhắm đến khách hàng trung niên, thương hiệu có thể tập trung vào nội dung hữu ích, chia sẻ kinh nghiệm hoặc câu chuyện truyền cảm hứng. Việc nghiên cứu hành vi người dùng, theo dõi các xu hướng nội dung phổ biến sẽ giúp thương hiệu định hình hướng đi phù hợp ngay từ đầu.
2. Hợp tác với TikTok Creators
Hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung (TikTok Creators) là một chiến lược quan trọng giúp thương hiệu tiếp cận tệp khách hàng tiềm năng một cách tự nhiên. Các Creators không chỉ có lượng người theo dõi trung thành mà còn hiểu rõ cách thức tạo nội dung thu hút, phù hợp với thuật toán TikTok.
Một chiến lược hợp tác hiệu quả không chỉ đơn thuần là trả phí để Creators quảng bá sản phẩm, mà cần tạo ra sự kết hợp tự nhiên giữa thương hiệu và nội dung của họ. Thay vì để Creators đọc kịch bản cứng nhắc, doanh nghiệp nên cho phép họ sáng tạo theo phong cách riêng để tạo sự chân thực. Các hình thức hợp tác phổ biến có thể kể đến như thử thách (challenges), đánh giá sản phẩm (reviews) hoặc sử dụng sản phẩm trong các tình huống đời thường.
3. Tạo nội dung ngắn gọn và sáng tạo
Sự chú ý của người dùng TikTok rất ngắn, do đó nội dung cần nhanh chóng thu hút ngay từ những giây đầu tiên. Điều quan trọng không chỉ là sáng tạo mà còn phải đơn giản, dễ hiểu và có giá trị thực tế.
Thay vì chỉ tập trung vào quảng cáo sản phẩm, thương hiệu có thể khai thác các yếu tố kể chuyện (storytelling), tạo ra những tình huống hài hước, kịch bản đời thường hoặc tận dụng trend đang hot để làm nội dung. Những video có nhịp điệu nhanh, âm thanh bắt tai và hiệu ứng sinh động thường có cơ hội lan truyền cao hơn. Bên cạnh đó, thương hiệu cũng nên sử dụng các hashtag thịnh hành và nhạc nền đang phổ biến để tối ưu khả năng hiển thị trên nền tảng.
4. Livestream thương hiệu
Livestream trên TikTok là một phương thức hiệu quả giúp thương hiệu tương tác trực tiếp với khách hàng và gia tăng chuyển đổi. Không giống như các nền tảng khác, livestream trên TikTok thường mang tính giải trí cao, kết hợp giữa bán hàng và tương tác tự nhiên để thu hút người xem.
Một buổi livestream thành công không chỉ đơn thuần là giới thiệu sản phẩm mà còn cần tạo ra trải nghiệm hấp dẫn. Thương hiệu có thể tổ chức mini game, giảm giá trực tiếp hoặc mời các TikTok Creators tham gia để tăng sự thu hút. Thời điểm livestream cũng rất quan trọng, cần lựa chọn khung giờ mà nhóm khách hàng mục tiêu của thương hiệu hoạt động nhiều nhất.
5. Đo lường hiệu quả
Sau khi triển khai nội dung, việc theo dõi và đo lường hiệu quả là bước không thể bỏ qua để tối ưu chiến lược. TikTok cung cấp nhiều chỉ số quan trọng như lượt xem (views), thời gian xem trung bình (average watch time), tỷ lệ hoàn thành video (completion rate) hay tỷ lệ tương tác (engagement rate).
Phân tích dữ liệu giúp thương hiệu hiểu rõ loại nội dung nào đang hoạt động tốt, từ đó điều chỉnh chiến lược một cách linh hoạt. Nếu một video có lượt xem cao nhưng tỷ lệ hoàn thành thấp, có thể nội dung chưa đủ hấp dẫn để giữ chân người xem. Nếu tỷ lệ tương tác thấp, thương hiệu cần xem xét lại cách kêu gọi hành động (CTA) hoặc cách trình bày nội dung.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể thử nghiệm A/B testing bằng cách tạo nhiều phiên bản nội dung khác nhau để xem phiên bản nào mang lại hiệu quả tốt nhất. Quá trình này giúp thương hiệu liên tục cải thiện và tối ưu hóa chiến lược nội dung trên TikTok một cách hiệu quả.
Các công cụ hỗ trợ xây dựng nội dung thương hiệu trên TikTok
Để tối ưu hóa việc xây dựng nội dung thương hiệu trên TikTok, bạn nên tận dụng các công cụ hỗ trợ mà nền tảng này cung cấp để tạo ra những chiến dịch quảng cáo hiệu quả, nghiên cứu xu hướng mới và phân tích dữ liệu để tối ưu chiến lược.
1. TikTok Ads Manager
TikTok Ads Manager là công cụ quảng cáo chính thức của TikTok, giúp các thương hiệu xây dựng chiến dịch quảng cáo và tăng reach cho branded content. Công cụ này cho phép bạn tạo các loại quảng cáo đa dạng, bao gồm:
- Quảng cáo In-Feed (quảng cáo xuất hiện trong feed của người dùng)
- Branded Hashtag Challenge (thử thách hashtag đặc trưng của thương hiệu)
- Branded Effects (hiệu ứng đặc biệt cho video)
TikTok Ads Manager giúp bạn nhắm chính xác đối tượng khách hàng mục tiêu qua các tiêu chí như độ tuổi, giới tính, sở thích, hành vi người dùng và vị trí địa lý. Bạn có thể lựa chọn giữa chiến dịch quảng cáo tập trung vào nhận diện thương hiệu, chuyển đổi hoặc thu hút khách hàng tiềm năng.
Đặc biệt, TikTok Ads Manager còn cung cấp các tính năng tối ưu hóa chiến dịch như hệ thống đấu thầu tự động, cho phép bạn kiểm soát chi phí quảng cáo hiệu quả và đảm bảo rằng quảng cáo của bạn sẽ được phát sóng đến đúng đối tượng mục tiêu.
Thương hiệu cũng có thể theo dõi các chỉ số quan trọng như số lượt hiển thị, tỷ lệ tương tác, và mức độ chuyển đổi. Điều này giúp bạn điều chỉnh chiến lược quảng cáo và tối ưu hóa hiệu quả nội dung thương hiệu.
2. Creative Center
Creative Center của TikTok là một công cụ tuyệt vời để nghiên cứu xu hướng và tìm kiếm ý tưởng nội dung. Thương hiệu có thể sử dụng công cụ này để khám phá các video phổ biến, các thử thách, và những chiến dịch sáng tạo trên nền tảng. Bằng cách theo dõi các xu hướng hiện tại, bạn sẽ có thể nắm bắt được những gì đang thu hút sự chú ý của cộng đồng TikTok, từ đó tạo ra nội dung phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người dùng.
Một trong những điểm mạnh của Creative Center là khả năng tìm kiếm và phân tích các chiến dịch quảng cáo thành công trên nền tảng này. Bạn có thể theo dõi các video có tỷ lệ tương tác cao, xem các chủ đề đang được quan tâm nhiều nhất, và phân tích những yếu tố khiến các video này trở nên viral.
Ngoài ra, Creative Center cũng cung cấp những gợi ý về cách sử dụng âm nhạc, hiệu ứng và các tính năng TikTok khác để tăng tính sáng tạo cho video. Từ đó, bạn sẽ có thể tạo ra những video quảng cáo thu hút sự chú ý của người xem và nâng cao hiệu quả cho chiến dịch quảng cáo của thương hiệu.
3. TikTok Analytics
TikTok Analytics là công cụ không thể thiếu giúp bạn theo dõi và phân tích hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo và nội dung trên TikTok. Với TikTok Analytics, bạn có thể xem được các dữ liệu quan trọng như số lượt xem, thời gian xem, tỷ lệ tương tác, tỷ lệ nhấp chuột và tỷ lệ chuyển đổi của các video.
Một trong những tính năng quan trọng nhất của TikTok Analytics là khả năng phân tích đối tượng người xem chi tiế bao gồm độ tuổi, giới tính, và vị trí địa lý. Điều này giúp bạn hiểu rõ hơn về hành vi và sở thích của người xem, từ đó tạo ra các nội dung phù hợp với từng phân khúc khách hàng cụ thể.
Hơn nữa, TikTok Analytics cũng cung cấp thông tin về cách người xem tương tác với nội dung của bạn như: thời gian xem video, mức độ tương tác (lượt thích, bình luận, chia sẻ), giúp bạn đánh giá mức độ hấp dẫn của các video thương hiệu. TikTok Analytics cũng cung cấp các chỉ số về hành vi người dùng sau khi họ tương tác với quảng cáo, giúp bạn đánh giá được ROI (lợi nhuận trên chi phí quảng cáo) và điều chỉnh ngân sách phù hợp để đạt được mục tiêu đề ra.
Tạm kết
Như vậy, BurgerPrints đã chia sẻ chi tiết về nội dung định hướng thương hiệu TikTok và 5 ví dụ về nội dung có thương hiệu TikTok đáng học hỏi trong năm 2025, từ các chiến dịch quảng cáo sáng tạo, thử thách hashtag thú vị, đến các chiến lược nội dung đậm chất cộng đồng. Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn tạo ra những chiến dịch không chỉ thu hút mà còn mang lại giá trị lâu dài cho thương hiệu của mình. Đừng quên thường xuyên ghé blog của BurgerPrints để đọc thêm các bài viết thú vị về TikTok của chúng tôi nhé!