Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay với hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới. Nền tảng này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối mọi người, chia sẻ thông tin và giải trí. Để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng, Facebook sử dụng hàng loạt các thuật toán. Chắc hẳn bạn từng thấy cùng là bài đăng trên một Fanpage nhưng lượt tiếp cận lại khác nhau, bởi chúng bị chi phối bởi thuật toán của Facebook. Trong bài viết này, cùng BurgerPrints tìm hiểu thuật toán Facebook nhé!
Thuật toán Facebook là gì?
Thuật toán Facebook (Facebook Algorithm) là một loạt những công thức, phép toán với nhiều biến số xếp hạng khác nhau được sử dụng để dự đoán bài viết nào sẽ mang lại nhiều giá trị nhất cho người dùng để giữ họ ở lại nền tảng càng lâu càng tốt.
Hiểu đơn giản, thuật toán Facebook là một bộ quy tắc xếp hạng nội dung trên nền tảng. Thay vì hiển thị tất cả các bài post có trên Facebook đến một người dùng, thuật toán Facebook sẽ cân nhắc, chấm điểm từng bài post dựa trên các yếu tố xếp hạng và sở thích của từng người. Từ đó, quyết định xem người dùng sẽ nhìn thấy những bài post nào, theo thứ tự nào mỗi khi họ lướt bảng tin.
Ban đầu, thuật toán Facebook khá đơn giản, chỉ dựa trên dữ liệu người dùng chứ không được tích hợp công nghệ và sự điều hành bởi AI như hiện nay. Dần dần, thuật toán được cải tiến, phối hợp với dữ liệu về thói quen sử dụng nền tảng để đặt ra các định hướng khai thác cho nhà phát triển.
Dưới đây là một số mốc quan trọng trong lịch sử phát triển thuật toán Facebook:
- 2006: Facebook ra mắt News Feed, hiển thị cho người dùng các hoạt động của bạn bè và các trang mà họ theo dõi.
- 2009: Thuật toán EdgeRank được giới thiệu, sử dụng ba yếu tố để xếp hạng nội dung bao gồm Affinity Score (lượng tương tác của một người trên Facebook), Edge Weight (nội dung liên quan đến sở thích của người dùng) và Time Decay (nội dung mới nhất được ưu tiên).
- 2013: Facebook bắt đầu tập trung hiển thị nội dung từ bạn bè và gia đình nhiều hơn, thay vì các trang và thương hiệu.
- 2015: Thuật toán được cập nhật để ưu tiên nội dung trực tiếp (live content), truyền tải trong thời gian thực đến người xem qua Internet bao gồm video, âm thanh, hình ảnh, hoặc văn bản. Đồng thời, thuật toán cũng giảm nội dung quảng cáo trên nền tảng.
- 2018: Thuật toán được điều chỉnh để chống lại tin tức giả mạo và thông tin sai lệch.
- 2020: Facebook công bố một số chi tiết về thuật toán để giúp người dùng hiểu cách nó hoạt động và cung cấp cho họ nhiều quyền kiểm soát hơn đối với dữ liệu.
- 2021: Facebook tập trung hiển thị nội dung mang tính cộng đồng và ý nghĩa, đồng thời giảm thiểu nội dung gây chia rẽ và độc hại.
- 2022 – nay: Facebook tiếp tục cập nhật thuật toán để ưu tiên nội dung từ bạn bè và gia đình, livestreams và nội dung có định dạng ngắn.
Thuật toán Facebook hoạt động như thế nào?
Theo thời gian, các thuật toán Facebook đã được điều chỉnh. Tuy nhiên, thuật toán vẫn hoạt động dựa trên 4 yếu tố chính sau đây:
1. Mối quan hệ (Relationship)
Facebook đánh giá mức độ tương tác dựa trên các hành động như thích (like), bình luận (comment), chia sẻ (share), phản ứng (react), click vào liên kết (link)… Mức độ tương tác càng cao thì bài đăng càng có khả năng hiển thị cao hơn trên bảng tin của người dùng.
Bên cạnh đó, thuật toán Facebook cũng ưu tiên hiển thị bài đăng từ những người có nhiều bạn bè chung với khách hàng của bạn.
Với nhóm (group), nội dung của quản trị viên sẽ được ưu tiên hiển thị hơn các thành viên nhóm. Thông thường, khoảng 50-80% thành viên sẽ nhìn thấy bài viết của nhóm. Ngoài ra, thuật toán cho phép 5-20% người dùng thích, bình luận, chia sẻ hoặc từng nhắn tin cho trang (fanpage) sẽ thấy được bài viết của bạn.
2. Chất lượng nội dung (Quality)
Dựa trên số lượng lượt xem, lượt thích, lượt bình luận, lượt chia sẻ, Facebook sẽ đánh giá mức độ thu hút của bài đăng. Một bài đăng càng thu hút nhiều người tương tác càng có khả năng nhận được đề xuất hiển thị cao hơn.
Facebook ưu tiên hiển thị nội dung mới, độc đáo và sáng tạo cho người dùng. Với xu hướng tập trung nhiều thời gian ở những tương tác động và âm thanh, Facebook sẽ hiển thị video, hình ảnh nhiều hơn so với bài viết dài.
3. Tín hiệu (Signals)
Tín hiệu là những yếu tố mà thuật toán Facebook sử dụng để đánh giá mức độ liên quan của nội dung đến một người dùng cụ thể. Dựa vào đó, Facebook sẽ đưa nội dung tới đối tượng tương ứng. Một số “tín hiệu” của người dùng ảnh hưởng đến thuật toán của Facebook như:
- Bạn thường xuyên ẩn bài viết từ ai: Facebook sẽ giảm hiển thị bài đăng từ những người mà bạn thường xuyên ẩn đi bài viết.
- Bạn thường xuyên báo cáo bài viết nào: Facebook sẽ xem xét và có thể xóa những người mà bạn thường xuyên báo cáo.
- Bạn thường xuyên bỏ qua bài viết từ ai: Facebook sẽ ít hiển thị bài đăng từ những người mà bạn thường xuyên bỏ qua.
4. Cài đặt bảng tin (News Feed)
Facebook lựa chọn ưu tiên của người dùng về loại nội dung muốn hiển thị. Một số người có thể ẩn/chặn nội dung từ người dùng khác hoặc trang khác nên thuật toán Facebook cũng hạn chế hiển thị những nội dung này.
Hành động của người dùng sẽ ảnh hưởng đến thuật toán của Facebook như Bạn chọn hiển thị nội dung từ ai (từ bạn bè, trang, nhóm hoặc tất cả mọi người) hay Bạn chọn ưu tiên hiển thị nội dung nào (nội dung mới nhất hoặc nội dung nhiều tương tác nhất).
Cách phân phối nội dung của thuật toán Facebook mới nhất
Có nhiều loại nội dung trên Facebook như News Feed, Reels, Ads… nhưng đều tuân theo quy trình phân phối nội dung sau:
1. Xác định kho tin bài (Inventory)
Inventory là thuật ngữ dùng để chỉ tất cả các bài đăng có khả năng được hiện trên bảng tin của một người dùng. Như vậy, Inventory gồm các đăng, video, livestream, tương tác… từ bạn bè, trang, nhóm mà người dùng theo dõi trên Facebook. Thuật toán sẽ thu thập đầy đủ thông tin về kho tin bài này để phân tích và đánh giá.
2. Xem xét tín hiệu (Signals)
Signals là những tín hiệu giúp Facebook nhận biết được đâu là bài viết “có giá trị” với người dùng. Những “tín hiệu” này được chia thành 2 nhóm là tín hiệu chủ động (active signals) và tín hiệu bị động (passive signals). Tín hiệu chủ động là những hành động làm tăng tương tác như thích, bày tỏ cảm xúc, bình luận, chia sẻ, nhấn vào liên kết, xem video… Trong khi đó, tín hiệu bị động bao gồm những yếu tố khác như thời gian xem, thời gian đăng bài, loại nội dung…
Đặc biệt, Facebook cũng tiết lộ 4 “tín hiệu xếp hạng” (ranking signals) sẽ ảnh hưởng lớn tới thuật toán phân phối bài viết, đó là:
- Mối quan hệ (Relationships): Bài đăng có đến từ các tài khoản, trang, nhóm… mà người dùng thường xuyên tương tác (nhắn tin, theo dõi, bình luận…) không?
- Tính phổ biến (Popularity): Những người đã nhìn thấy bài viết của bạn tương tác với bài viết như thế nào? Họ có bày tỏ cảm xúc, bình luận, chia sẻ hay bỏ qua bài viết?
- Dạng nội dung (Content-Type): Định dạng nội dung (hình ảnh, video, liên kết…) mà người dùng thường xuyên tương tác nhất là gì? Người dùng dành bao nhiêu thời gian cho mỗi bài đăng như vậy?
- Thời gian đăng bài (Recency): Bài viết được đăng vào thời gian nào? Thông thường, những bài đăng mới hơn luôn được hiển thị trước những bài đăng cũ.
3. Dự đoán (Predictions)
Facebook sẽ dựa vào profile cá nhân, danh sách bạn bè, các hoạt động trong quá khứ… để đưa ra dự đoán về những nội dung, chủ đề mà người dùng có khả năng tương tác cao nhất.
4. Chấm điểm (Score)
Cuối cùng, thuật toán Facebook đưa ra một số điểm dự đoán cho mức độ quan tâm của người dùng với nội dung đó. Tất cả những nội dung trong kho tin bài sẽ được “chấm điểm” và sắp xếp theo thứ tự từ cao đến thấp trên bảng tin của người dùng Facebook.
Cập nhật mới nhất về thuật toán Facebook 2024
Như đã đề cập trước đó, thuật toán Facebook hoạt động dựa trên các kỹ thuật tính toán từ AI. Do đó, thuật toán sẽ luôn luôn được thay đổi và cập nhật thường xuyên để tối ưu nội dung nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng trên nền tảng. Dưới đây là những cập nhật mới của thuật toán Facebook trong năm 2024:
1. Gia tăng nội dung video và livestream
Theo báo cáo của Facebook, lượng người xem video trên nền tảng đã tăng 50% trong năm 2023. Các video ngắn 15-30 giây với nội dung hấp dẫn với CTA (lời kêu gọi hành động) rõ ràng thường có tương tác tốt.
Livestream cũng đang trở nên phổ biến hơn với hơn 1 tỷ người xem mỗi ngày và thường nhận được lượt tương tác lớn hơn gấp 6 lần so với các video tiêu chuẩn trên Facebook. Thuật toán hiển thị của Facebook cũng đánh giá cao những livestream có số lượng người xem đông đảo và tương tác với những người có sở thích, hành vi tương tự.
Do đó, Facebook đang đầu tư mạnh mẽ hơn vào nội dung video và livestream. Các nhà sáng tạo nội dung, nhà quảng cáo có thể tận dụng xu hướng này để tạo ra những nội dung chất lượng cho người xem.
2. Ưu tiên nội dung từ bạn bè và gia đình
Với mục tiêu tạo ra một môi trường kết nối và tương tác cá nhân, Facebook đang ưu tiên hiển thị nội dung nhiều hơn từ bạn bè và gia đình của người dùng trên bảng tin. Đôi khi, người dùng Facebook có thể điều chỉnh cài đặt News Feed để ưu tiên nội dung từ những người mà họ quan tâm nhất.
3. Gia tăng nội dung tương tác và tạo thảo luận
Hiện nay, thuật toán Facebook ưu tiên hiển thị những nội dung tương tác và tạo thảo luận giữa người dùng. Điều này có nghĩa là những bài đăng thu hút nhiều lượt thích, bình luận, chia sẻ và phản ứng sẽ có khả năng xuất hiện cao hơn trên bảng tin.
Các loại nội dung thường được Facebook ưu tiên như câu hỏi, bài đăng khảo sát và bài đăng kêu gọi bình luận. Bên cạnh đó, nội dung bài đăng trực quan (có hình ảnh, video, ảnh GIF), cập nhật hoặc hài hước cũng sẽ được hiển thị nhiều hơn nhờ thuật toán Facebook.
4. Minh bạch và kiểm soát dành cho người dùng
Trong thời gian gần đây, Facebook đang nỗ lực mang lại sự minh bạch và kiểm soát tốt hơn cho người dùng. Các công cụ “Hiển thị thêm”, “Hiển thị ít hơn” cho phép người dùng tùy chỉnh nguồn cấp dữ liệu của họ hoặc chuyển sang nguồn cấp dữ liệu theo trình tự thời gian nếu muốn. Người dùng cũng có thể thiết lập danh sách “Yêu thích” để đảm bảo họ luôn nhìn thấy nội dung từ tài khoản yêu thích.
5. Hạn chế nội dung clickbait, tin giả và nội dung không phù hợp
Sự gia tăng của nội dung clickbait, tin giả và nội dung không phù hợp trên Facebook vẫn là một vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của người dùng và uy tín của nền tảng. Kỹ thuật tạo tin giả và chỉnh sửa ảnh/video ngày càng tinh vi khiến việc phát hiện và xử lý những nội dung này ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Facebook đang nỗ lực nhiều hơn để hạn chế và ngăn chặn các nội dung như clickbait, tin giả, nhạy cảm… trên News Feed của người dùng. Nền tảng sử dụng các công nghệ để phát hiện và loại bỏ các loại nội dung độc hại này. Đồng thời, hợp tác với các Tổ chức kiểm tra thực tế (Fast-Checking Organization) như IFCN, Politìact, FastCheck.org, Snopes, Verificat… để xác định xem thông tin trong bài đăng có chính xác hay không.
Ngoài ra, người dùng cũng có thể đóng góp vào việc này bằng cách báo cáo các nội dung clickbait, tin giả… Đội ngũ Facebook sẽ xem xét các báo cáo và thực hiện biện pháp thích hợp, chẳng hạn gỡ bỏ bài đăng hoặc hạ thấp thứ hạng hiển thị.
6. Cập nhật thuật toán liên tục
Facebook liên tục cập nhật thuật toán để cải thiện trải nghiệm của người dùng. Do đó, bạn phải cập nhật những thay đổi của thuật toán thường xuyên để có thể tối ưu nội dung của mình.
Các nhà sáng tạo nội dung hay nhà quảng cáo có thể tham khảo nguồn thông tin chính thức về thuật toán từ Facebook trên trang Facebook for Business, Facebook Newsroom hoặc một số cộng đồng Facebook về marketing như Facebook Marketing Vietnam, Facebook Ads & Marketing Community Vietnam…
Mẹo tận dụng thuật toán Facebook để tăng lượt tiếp cận
Để tăng lượt tiếp cận cho trang/nhóm, bạn có thể tận dụng thuật toán của Facebook. Dưới đây là một số mẹo để bài viết của bạn nổi bật trên nền tảng:
1. Hiểu rõ nhu cầu và sở thích của người dùng (khách hàng)
Những nội dung có ý nghĩa và chứa nhiều thông tin giá trị luôn được Facebook ưu tiên hiển thị. Nội dung giá trị là những nội dung mới, thú vị và đa dạng thông tin. Trong khi, nội dung có ý nghĩa là những câu chuyện mà người dùng muốn chia sẻ tới gia đình, bạn bè hoặc nội dung họ dành nhiều thời gian để đọc và xem (dựa trên dữ liệu hành vi trong quá khứ).
Việc xác định những nội dung có ý nghĩa và cung cấp thông tin hữu ích cho một đối tượng khách hàng cụ thể đòi hỏi doanh nghiệp phải hiểu nhu cầu, sở thích và hành vi của họ. Hiểu đơn giản là doanh nghiệp cần phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu khách hàng mục tiêu.
Một số công cụ nghiên cứu khách hàng trên Facebook hiệu quả như Facebook Audience Insights, Facebook Pixel, Facebook Lookalike Audiences…
2. Đa dạng hóa các dạng nội dung
Thay vì hiển thị liên tục một định dạng nội dung, Facebook muốn đa dạng hóa để giữ chân người dùng. Vì vậy, các bài đăng trên Facebook của bạn nên triển khai đồng thời những định dạng nội dung khác nhau như text, 1 ảnh, album ảnh, video…
Tuy nhiên, cho dù bạn sử dụng định dạng nào thì cũng phải chăm chút cho nội dung của bài đăng. Theo như nghiên cứu của Facebook, người dùng thường coi trọng và yêu thích các nội dung có độ chính xác cao hoặc những bài viết được đầu tư sản xuất thay vì sao chép, đạo nhái. Do đó, yếu tố “chính chủ” sẽ được xếp hạng cao hơn trong thuật toán Facebook.
3. Sử dụng định dạng nội dung phổ biến
Thuật toán Facebook đánh giá “giá trị” của một bài đăng dựa vào việc những người đã nhìn thấy tương tác như thế nào. Những bài tương tác càng nhiều thì càng dễ tiếp cận nhiều người hơn. Vì vậy, việc đầu tư vào những nội dung tạo được tương tác sẽ giúp bài viết của bạn tiếp cận khách hàng dễ dàng.
Dựa trên nghiên cứu mới nhất của Hootsuite, các bài đăng trạng trái (status post) trung bình có lượt tương tác cao nhất là khoảng 0,11%. Trong khi đó, các bài đăng ảnh chỉ cao hơn một chút ở mức 0,12%, video và bài đăng gắn liên kết thấp hơn ở mức tương ứng là 0,08% và 0,04%.
Để biết được nội dung nào đang tạo được tương tác tốt, bạn có thể quan sát đối thủ hoặc những page, group lớn có đặc điểm tương tự, xem họ đang làm những dạng nội dung nào, dạng nào được nhiều tương tác để thử nghiệm cho nội dung của mình.
4. Không nên “đối đầu” hoặc “thao túng” thuật toán Facebook
Cố gắng “thao túng” thuật toán để nhận được tỷ lệ hiển thị cao hơn thay vì đầu tư vào giá trị cho bài viết là điều tối kỵ. Hiện nay, Facebook đặc biệt chú trọng và giám sát rất chặt các hành vi gian lận để hạn chế phân phối các nội dung mang tính câu view, giật tít. Do đó, đối đầu thuật toán bằng các hành động gian lận sẽ khiến nội dung của bạn bị đánh giá thấp.
Thông điệp của Facebook đưa ra rất đơn giản. Đó là hãy tuân thủ thuật toán và đừng cố chống lại chúng.
5. Tận dụng nhóm (group) để tiếp cận với khách hàng
Nhóm trên Facebook là nơi kết nối những người có cùng sở thích, chung vấn đề và mối quan tâm. Vì thế, người dùng trong nhóm sẽ có xu hướng chủ động hơn trong việc trao đổi, tương tác và kết nối với các thành viên khác. Việc tương tác nhiều sẽ tác động tới điểm xếp hạng và khả năng hiển thị của bài viết.
Mặt khác, đối tượng tham gia nhóm thường là những người đã có sự quan tâm nhất định đến một vấn đề cụ thể. Nếu sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp có thể giải quyết được vấn đề đó thì bạn có thể sử dụng nhóm như một kênh truyền thông để tiếp cận đối tượng mục tiêu.
6. Sử dụng các tính năng mới của Facebook
Tháng 2 năm 2022, Meta chính thức giới thiệu Facebook Reels – tính năng cho phép người dùng tạo và chia sẻ video ngắn (thời lượng từ 15 – 60 giây). Tương tự thời điểm khi mới ra mắt Instagram Reels, Facebook cũng dồn rất nhiều nguồn lực và sự chú ý vào tính năng mới này. Đương nhiên, thuật toán Facebook cũng dành “sự ưu ái” đặc biệt cho các video trên Reels để có thể tiếp cận đến nhiều đối tượng mục tiêu hơn.
Các nhà sáng tạo nội dung, nhà quảng cáo có thể tận dụng các dạng video ngắn để tăng lượt hiển thị cho các bài viết của mình. Để sử dụng Reels hiệu quả, bạn cần lưu ý các yếu tố sau:
- Nội dung video mang tính giải trí và hấp dẫn
- Nội dung video bắt kịp xu hướng (Trending)
- Sử dụng các công cụ tích hợp như văn bản, bộ lọc…
- Định dạng video dọc (Vertical Video)
- Chèn nhạc thịnh hành vào video
Đồng thời, Facebook cũng khuyên người dùng tránh để video mờ hoặc độ phân giải thấp. Cũng như, không sử dụng video có logo hoặc dính yếu tố thương hiệu (Watermark) từ các nền tảng khác như TikTok, Capcut… và video có đường viền xung quanh.
7. Tận dụng giờ vàng Facebook
Khung giờ “vàng” là khoảng thời gian nội dung của bạn có nhiều người tương tác nhất. Tuy nhiên, không phải khung giờ nào cũng là lý tưởng đối với người dùng. Tùy thuộc vào đối tượng khách hàng và nội dung hoặc sản phẩm/dịch vụ của bạn mà thời gian “vàng” có thể khác nhau.
Để biết được thời điểm tốt nhất để đăng bài, bạn có thể thử đăng bài vào các khung giờ khác nhau trong ngày và theo dõi hiệu quả của từng bài đăng. Thông thường, đăng bài vào khoảng thời gian từ 7h-9h sáng, 11h-12h trưa hoặc 19h-22h tối thường mang lại lượng tương tác cao.
8. Đăng bài đều đặn
Nội dung là điều cơ bản để giữ chân người dùng ở lại lâu hơn với bạn. Khi mà nội dung được sáng tạo càng nhiều thì cơ hội để “bắt” được khách hàng lại càng cao. Vì vậy, bạn nên đều đặn đăng tải nội dung lên các trang, nhóm của mình. Tuy nhiên, không phải là ngày nào cũng đăng tải mà bạn có thể đăng theo khung giờ nhất định, ví dụ vào mỗi thứ 3, 5, 7 hàng tuần.
9. Gia tăng tương tác với người xem
Thuật toán Facebook ưu tiên hiển thị các bài đăng từ các trang mà người dùng đã từng tương tác. Việc phản hồi lại tương tác của khách hàng chính là cách tốt nhất để bạn mở ra mối quan hệ với họ. Nếu khách hàng đã dành thời gian để bình luận trong bài đăng của bạn, hãy gửi ngay một phản hồi. Một câu trả lời từ phía bạn sẽ tăng khả năng khách hàng tiếp tục bình luận trong bài đăng của bạn sau này.
Chính Facebook cũng thừa nhận rằng nếu một bài đăng được thảo luận qua lại nhiều lần thì thuật toán sẽ áp dụng “logic hành động va chạm” (action-bumping logic) để hiển thị bài đăng đó tới nhiều người hơn.
Lời kết
Trên đây, BurgerPrints đã chia sẻ với bạn những thông tin cơ bản về thuật toán Facebook. Hiểu được cơ chế hoạt động của thuật toán Facebook sẽ giúp bạn dễ dàng sản xuất nội dung trên nền tảng này và có thể tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về Facebook Ads và các cách chạy quảng cáo hiệu quả thì hãy ghé BurgerPrints để đọc thêm nhé!