Khi kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, việc quản lý hàng tồn kho và thông tin sản phẩm hiệu quả là chìa khóa dẫn đến thành công. Đối với các nhà bán hàng trên Amazon, Seller SKU đóng vai trò quan trọng giúp quản lý hàng hóa một cách tối ưu. Vậy thực chất seller SKU là gì? Làm thế nào để đặt mã SKU cho sản phẩm? Cùng BurgerPrints tìm hiểu trong bài viết này nhé!
SKU là gì?
SKU hay Stock Keeping Unit là “đơn vị lưu kho”, hiểu đơn giản là một loại mã hàng hóa mà doanh nghiệp dùng để phân loại mặt hàng để bán. Mã SKU thường bao gồm các thông số, thuộc tính của sản phẩm để phân biệt với những loại sản phẩm khác. Đặc biệt, mã SKU chỉ chứa chữ và số, thường có 8 ký tự sử dụng để nhận dạng, theo dõi cửa hàng và doanh nghiệp. Ngoài ra, SKU hỗ trợ và đảm bảo quá trình theo dõi hàng hóa được hệ thống chặt chẽ và dễ dàng quản lý hơn.
Mỗi mã SKU tương ứng với một sản phẩm/dịch vụ, khi nhập hàng hóa về kho người bán sẽ tạo những mã SKU riêng để tránh bị trùng lặp, nhầm lẫn với các người bán hàng khác.
Mã SKU chỉ được sử dụng bởi nhà bán hàng chứ không phải người tiêu dùng. Do đó, những sản phẩm được đặt mã SKU là sản phẩm có sẵn ở kho, tách biệt với hàng hóa đã được đặt hàng hoặc đang trong quá trình vận chuyển.
Seller SKU trên Amazon là gì?
Seller SKU trên Amazon là mã số được người bán tạo ra để theo dõi và quản lý sản phẩm của họ trên Amazon. Mỗi sản phẩm được bán trên Amazon đều phải có một mã SKU riêng và không được trùng lặp với mã SKU của bất kỳ sản phẩm nào khác. Chẳng hạn, một người bán bán áo thun nam với ba màu sắc khác nhau đen, trắng và xám. Vậy nhà bán hàng có thể tạo Seller SKU cho mỗi màu sắc như sau:
- Áo thun nam trắng: SKU-MENS-WHITE-T
- Áo thun nam đen: SKU-MENS-BLACK-T
- Áo thun nam xám: SKU-MENS-GREY-T
Mã SKU sẽ không được hiển thị cho khách hàng trên Amazon. Người bán có thể sử dụng bất kỳ định dạng nào họ mong muốn cho SKU miễn đó là mã duy nhất, dễ nhớ, dễ sử dụng và có ý nghĩa (bao gồm thông tin về sản phẩm như thương hiệu, mẫu mã, màu sắc hoặc kích thước).
Lợi ích khi tạo mã SKU cho sản phẩm trên Amazon
Không phải ngẫu nhiên mà mã SKU là thông tin bắt buộc khi nhà bán hàng thêm sản phẩm trên Amazon. Mã SKU giúp người bán tối ưu quá trình bán hàng và quản lý hàng hóa. Cụ thể:
1. Xác định hàng hóa đã bán
Mục đích khi tạo mã SKU trên Amazon là để xác định sản phẩm và người bán sản phẩm đó. Trong đó, mã SKU này bao gồm các chữ và/hoặc số duy nhất để biết được mặt hàng đó là gì và của người bán nào. SKU giống như mã nhận dạng riêng biệt giúp bạn dễ dàng nhận biết một sản phẩm từ hàng triệu sản phẩm khác trên website Amazon. Từ đó, người bán có thể xác định hàng hóa đã bán dễ dàng hơn.
2. Quản lý và tạo lợi nhuận hàng tồn kho
Việc mắc lỗi trong quản lý hàng tồn kho là một trong những lý do khiến nhà bán hàng thất thoát doanh thu. Nếu bạn không tổ chức và theo dõi kho hàng hiệu quả thì rất dễ xảy ra tình trạng hàng hóa quá tải, khó xác định được sản phẩm nào còn hay hết. Do đó, sử dụng SKU giúp người bán sắp xếp và bố trí các loại hàng hóa hợp lý, tiết kiệm chi phí, hạn chế tình trạng hàng tồn kho.
3. Tối ưu quản lý sản phẩm
Amazon Seller SKU đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa quản lý sản phẩm cho người bán Amazon. Mỗi sản phẩm được gắn một mã SKU duy nhất giúp nhà bán hàng dễ dàng theo dõi vị trí, số lượng và tình trạng hàng tồn kho. Bên cạnh đó, mã SKU còn được sử dụng để phân biệt các biến thể sản phẩm khác nhau như kích thước, kiểu dáng hay màu sắc giúp quản lý hàng hóa hiệu quả hơn.
4. Tìm kiếm sản phẩm dễ dàng
Mã SKU được tạo ra với những ký tự riêng biệt cho từng danh mục sản phẩm giúp việc tìm kiếm trở nên dễ dàng hơn. Để tìm kiếm sản phẩm với Amazon Seller SKU, bạn chỉ cần truy cập vào trang web amazon.com.vn, nhập mã SKU vào thanh tìm kiếm ở đầu trang và nhấp Enter hoặc biểu tượng kính lúp.
5. Giao tiếp hiệu quả với nhà cung cấp
Việc sử dụng mã SKU có thể giúp nhà bán hàng giao tiếp dễ dàng hơn với nhà cung cấp. Thay vì dùng tiêu đề và tên sản phẩm, dễ gây nhầm lẫn với một số sản phẩm khác, người bán có thể sử dụng mã SKU để đảm bảo rằng mình đề cập đúng mặt hàng với nhà cung cấp. Hơn thế, giao tiếp rõ ràng và chính xác bằng SKU giúp xây dựng lòng tin với nhà cung cấp, nâng cao chất lượng hợp tác và thúc đẩy quan hệ kinh doanh lâu dài.
Để sử dụng mã SKU hiệu quả với nhà cung cấp, nhà bán hàng nên:
- Cung cấp SKU cho nhà cung cấp trong tất cả các yêu cầu đặt hàng, email và tài liệu liên quan.
- Đảm bảo SKU được sử dụng nhất quán trên tất cả nền tảng.
- Yêu cầu nhà cung cấp xác nhận SKU trước khi xử lý đơn hàng.
- Sử dụng SKU để theo dõi tình trạng đơn hàng và giải quyết khiếu nại.
- Giao tiếp thường xuyên với nhà cung cấp để giải quyết bất kỳ vấn đề nào liên quan đến SKU.
6. Tạo mã SKU là bắt buộc đối với nhà bán hàng trên Amazon
Tạo mã SKU là bắt buộc đối với các sellers trên Amazon bởi vì nó mang lại nhiều lợi ích cho việc quản lý sản phẩm và bán hàng. Lý do mà nền tảng Amazon yêu cầu như vậy là bởi việc tạo mã SKU có thể giúp tăng hiệu quả theo dõi và phân biệt sản phẩm. Người bán dễ dàng xử lý đơn hàng nhờ khả năng xác định sản phẩm bằng SKU.
7. Xây dựng giao diện cửa hàng và nâng cao trải nghiệm mua sắm
Việc quản lý hàng hóa trên Amazon sẽ gặp nhiều khó khăn nếu bạn không xây dựng hệ thống mã SKU. Bởi vì mã SKU hỗ trợ việc lập bản đồ và tổ chức cửa hàng của người bán giúp người tiêu dùng tìm được sản phẩm muốn mua một cách dễ dàng. SKU khiến việc phân loại trở nên chi tiết hơn, giúp gian hàng của bạn ngăn nắp, cải thiện hiệu quả bán hàng và gia tăng doanh số.
8. Hỗ trợ quá trình thanh toán
Khi khách hàng thực hiện giao dịch trên Amazon, mã SKU sẽ tự động trừ số sản phẩm đã bán, cập nhật lại dữ liệu khớp với số liệu hiện có của cửa hàng. Bên cạnh đó, nếu mã SKU được chuyển hóa thành mã vạch sẽ càng thuận tiện hơn cho việc thanh toán trở nên dễ dàng và nhanh chóng.
So sánh Seller SKU của Amazon với những mã nhận dạng sản phẩm khác
Amazon không chỉ có mã Seller SKU mà còn có những mã nhận dạng sản phẩm khác cho người bán. Cùng tìm hiểu nhé!
1. ASIN (Amazon Standard Identification Number)
ASIN hay Amazon Standard Identification Number là số nhận dạng duy nhất gồm 10 chữ cái hoặc số cho một sản phẩm do Amazon chỉ định. Nó chủ yếu được sử dụng để xác định sản phẩm trong danh mục hàng tỷ mặt hàng trên Amazon. Nghĩa là mỗi sản phẩm đều có một mã duy nhất để khách hàng có thể tìm kiếm sản phẩm cụ thể mà họ muốn mua.
Người bán trên Amazon không thể thay đổi hay sửa đổi ASIN nhưng có thể tạo Seller SKU duy nhất. Đây chính là điểm khác nhau giữa hai mã nhận dạng sản phẩm này.
2. FNSKU (Fulfillment Network Stock Keeping Unit)
FNSKU, là viết tắt của Fulfillment Network Stock Keeping Unit, là mã nội bộ của Amazon và chỉ sử dụng được trên nền tảng này. Mã FNSKU giúp Amazon có thể xác định và theo dõi sản phẩm của người bán. Bạn cần phải dãn mã FNSKU lên mỗi sản phẩm trước khi chuyển tới kho của Amazon. Vậy mã FNSKU chỉ áp dụng cho các đơn hàng Amazon FBA. Đây là loại mã dễ phân biệt với mã SKU nhất bởi nó chỉ dành cho dịch vụ “hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon” (Fulfillment by Amazon).
3. GCI (Global Catalogue Identifier)
Khi người bán đăng ký/thêm sản phẩm để bán trên Amazon, nền tảng yêu cầu bạn chọn giữa mã UPC và GCI. Nếu chọn mã GCI thì Amazon sẽ cung cấp mã cho bạn. Bạn sẽ phải nhập chi tiết về sản phẩm và mã SKU để Amazon tạo mã GCI.
4. GTIN (Global Trade Item Number)
GTIN hay Global Trade Item Number (Mã số thương mại toàn cầu) là mã nhận dạng duy nhất của một sản phẩm và được công nhận trên toàn thế giới. Nó được phát triển và quản lý bởi GS1, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế. Thực ra, GTIN chính là số được in bên dưới biểu tượng mã vạch.
Có thể hiểu, GTIN giống như “hộ chiếu” của sản phẩm giúp nhà bán lẻ, nhà phân phối và các bên khác trong chuỗi cung ứng dễ dàng nhận dạng và theo dõi sản phẩm trên toàn cầu. Trong khi đó, Seller SKU là “mã nội bộ” của sản phẩm, giúp người bán theo dõi sản phẩm trong kho của họ, quản lý hàng tồn và phân biệt các loại khác nhau của cùng một sản phẩm (như kích thước, màu sắc…).
5. UPC (Universal Product Code)
UPC, là viết tắt của Universal Product Code, là mã sản phẩm chung. Đây là một loại mã được in trên bao bì sản phẩm bán lẻ để hỗ trợ xác định một mặt hàng cụ thể. UPC bao gồm hai phần, phần 1 là một loạt các thanh màu đen và phần 2 là 12 chữ số bên dưới nó. Mã UPC có thể được đọc bằng máy.
Một mã UPC sẽ được cấu tạo từ 3 phần: mã nhà sản xuất, mã sản phẩm và số kiểm tra. Mã này được ấn định bởi nhà sản xuất của sản phẩm và Amazon không có quyền thay đổi UPC, ngay cả khi có nhiều sản phẩm của cùng nhà sản xuất trên Amazon.
6. EAN (European Article Number)
EAN hay European Article Number là mã vạch thuộc quyền quản lý của EAN- UCC (European Article Numbering – Uniform Code Council). Loại mã này được sử dụng để xác định và định danh sản phẩm của người bán tại châu Âu và một số quốc gia khác.
Nhiều người dùng thường nhầm lẫn UPC và EAN. Mặc dù hai mã vạch này đều thuộc GTIN (Mã số thương mại toàn cầu) nhưng UPC được sử dụng chủ yếu tại Bắc Mỹ, còn EAN lại được ứng dụng rộng rãi tại Châu Âu và một vài quốc gia. Ngoài ra, mã UPC thường có 12 số bên dưới mã vạch và mã EAN sẽ có loại 8 số và 13 số, tương ứng với EAN-8 và EAN-13.
Quy tắc thiết lập mã SKU cho người bán trên Amazon
Dưới đây là một số quy tắc chung khi tạo mã SKU trên Amazon, bạn nên chú ý nhé!
Sử dụng ký tự duy nhất: Mã SKU chỉ được phép sử dụng các ký tự A-Z, a-z, 0-9, _, -. Bạn hãy tránh sử dụng các kí tự đặc biệt như: !, @, #, $, %, ^, &, *, (, ), +, =, {, }, |, , ;, :, <, >, ., ?, /, và `. Đặc biệt là không sử dụng dấu cách khi thiết lập mã SKU cho sản phẩm.
Giới hạn độ dài: Mã SKU có độ dài từ 8 đến 40 ký tự. Nhưng Amazon khuyến khích bạn sử dụng mã SKU ngắn gọn và dễ nhớ.
Thông tin trong mã SKU: Nên thêm thông tin về thương hiệu, kích thước, màu sắc… vào mã SKU để dễ dàng xác định sản phẩm. Người bán không nên sử dụng các từ viết tắt khó hiểu khi đặt mã Seller SKU.
Tính nhất quán: Sử dụng quy tắc đặt nhất quán cho tất cả mã SKU sản phẩm của bạn. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng tìm kiếm và quản lý sản phẩm trong kho hàng của mình.
Không sử dụng mã SKU đã được dùng: Mỗi sản phẩm trên Amazon phải có một mã SKU duy nhất và không sử dụng mã SKU đã được dùng cho một sản phẩm khác.
Tránh dùng thông tin nhạy cảm: Không sử dụng những thông tin nhạy cảm như giá cả hoặc số lượng hàng tồn kho trong mã SKU. Thông tin này có thể bị lộ nếu mã SKU của người bán được chia sẻ.
Cách tạo Seller SKU trên Amazon
Không quá khó để tạo mã SKU cho các sản phẩm trên Amazon, bạn có thể tự tạo mã cho riêng mình hoặc cho phép Amazon tạo SKU. Cùng khám phá 2 cách thiết lập Amazon Seller SKU nhé!
1. Người bán tạo mã SKU
Nhìn chung, việc đặt mã SKU cho sản phẩm trên Amazon khá đơn giản, cũng như cách thông thường mà bạn phân loại theo màu sắc, kiểu dáng, kích thước… Người bán có thể tuân theo quy tắc đặt danh mục sản phẩm từ lớn đến bé khi có nhiều loại mặt hàng khác nhau.
Một SKU chuẩn chỉnh nên bao gồm những yếu tố sau:
- Tên thương hiệu (hoặc nhà sản xuất) của sản phẩm.
- Kho lưu trữ (chi nhánh), nếu nhà bán hàng có nhiều kho thì mỗi kho nên có một ký hiệu riêng để phân biệt.
- Mô tả sản phẩm về kiểu dáng, chất liệu…
- Ngày mua hàng gồm ngày tháng năm (chỉ nên sử dụng 2 số cuối).
- Màu sắc, kích cỡ của sản phẩm.
- Tình trạng đã qua sử dụng hay còn mới.
Các thông tin được liệt kê cần được sắp xếp theo một thứ tự nhất quán trong mã SKU. Mặc dù độ dài không giới hạn nhưng bạn nên sắp xếp các ký tự sao cho dễ hiểu và dễ nhớ, nên kết hợp sử dụng chữ cái và số để phân tách thông tin. Chẳng hạn, một sản phẩm có mã SKU là NT12G317VN. Trong đó, 2 chứ cái đầu tiên thể hiện thương hiệu, 2 chữ số tiếp theo là dòng sản phẩm, chữ cái ở giữa là danh mục sản phẩm, 3 số sau là loại sản phẩm và 2 chữ cuối cùng biểu thị chi nhánh (kho).
Nếu người bán định đặt mã SKU toàn bộ là chữ cái hoặc số thì cần quy định mỗi trường thông tin là 1, 2 hoặc 3 ký tự và sử dụng dấu “-” để phân tách thông tin, ví dụ: NF-DA-GM-DT-VN, 21-12-33-38-42… Với cách đặt mã SKU như thế, SKU sẽ không trở thành chữ cái/chữ số vô nghĩa mà bạn có thể đọc ra trong đó rất nhiều thông tin về sản phẩm.
Dưới đây là các bước tạo Seller SKU trên Amazon:
Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản Amazon Seller Central của bạn.
Bước 2: Trong thanh menu ở đầu trang, bạn nhấp vào Inventory và chọn Manage Products.
Bước 3: Tìm kiếm sản phẩm bạn muốn tạo SKU và nhấp vào Edit bên cạnh sản phẩm bạn muốn tạo SKU.
Bước 4: Trên trang Edit Product, nhập vào tab Product Information và cuộn xuống đến phần Seller SKU.
Bước 5: Trong Seller SKU, hãy nhập mã mà bạn muốn sử dụng làm SKU của mình. Nhớ tuân theo các quy tắc chung khi tạo mã SKU đã đề cập ở trên nhé!
Bước 6: Khi đã nhập xong SKU, bạn chọn Save ở cuối trang.
2. Amazon tạo mã SKU
Ngoài ra, người bán có thể để Amazon tạo mã Seller SKU cho những sản phẩm của mình. Trong trường hợp bạn đang quản lý nhiều cửa hàng cùng lúc trên Amazon hoặc có quá nhiều sản phẩm để đặt mã SKU thì việc “nhờ” sự trợ giúp của hệ thống là điều nên làm. Amazon sẽ tự động tạo nhiều SKU cho cùng một sản phẩm nếu chúng ở hai cửa hàng khác nhau, kể cả khi người bán sở hữu hai cửa hàng này.
Tuy nhiên, khi để Amazon tạo mã SKU cho sản phẩm thì bạn sẽ khó theo dõi hơn. Bởi đó là những mã ngẫu nhiên không theo một quy luật nào cả, thậm chí là không có ý nghĩa. Do đó, bạn nên cân nhắc nếu sử dụng cách này và tốt nhất là tự thiết lập mã Seller SKU cho sản phẩm của mình.
Lưu ý khi tạo mã Seller SKU cho sản phẩm trên Amazon
Khi tạo mã Seller SKU cho sản phẩm trên Amazon, nhà bán hàng cần lưu ý một số điều dưới đây:
1. Không chồng chéo thông tin
SKU là loại mã sử dụng để thể hiện thông tin của sản phẩm nhưng cũng cần dể hiểu và dễ nhớ để việc phân loại dễ dàng hơn. Do đó, không nên nhồi nhét quá nhiều thông tin vào mã SKU bởi điều này sẽ khiến mã SKU trở nên phức tạp và khó nhìn. Hãy cân nhắc những thông tin nào là quan trọng nhất và giúp bạn phân biệt giữa sản phẩm này với sản phẩm khác.
Nếu bạn không muốn tạo ra những mã SKU quá dài thì nên tối ưu số ký tự cho mã SKU khi quy ước cách đặt mã. Chẳng hạn, bạn có 5 nhà cung cấp thì có thể quy ước mỗi nhà cung cấp là 1 chữ số trong dãy từ 1 đến 5 thay vì viết tắt chữ cái đầu của tên cung cấp có 2-3 ký tự.
2. Ký tự
Trong khi tạo mã SKU, bạn nên tránh sử dụng các chữ hoặc số dễ gây hiểu lầm. Ví dụ, O hay 0 (chữ o viết hoa hay số 0), I hay l (chữ i viết hoa hay chữ l viết thường)… Trong trường hợp bắt buộc phải dùng những ký tự như này, bạn có thể quy định chỉ dùng chữ viết hoa trong mã SKU, chữ và số được phân cách rõ ràng. Thay vì đặt mã SKU là BlA017 thì đặt là BLA-017, như vậy bạn sẽ không bị nhầm đó là chữ hay số nữa.
Mặt khác, bạn nên tránh đưa vào mã SKU các ký tự đặc biệt như dấu /, &, @, #… Các ký tự này dễ gây ra các lỗi định dạng khi quản lý hàng hóa bằng phần mềm hoặc file Excel. Bạn cũng không được bắt đầu mã SKU bằng số 0 vì khi quản lý bằng file Excel thì mã đó sẽ bị mất số 0. Ví dụ, mã SKU là 01234ACF thì file sẽ chỉ đọc là 1234ACF.
3. Thống nhất trình tự sắp xếp
Nhà bán hàng nên thống nhất một mã SKU cho cùng một danh mục sản phẩm, không lạm dụng SKU dẫn đến việc đặt quá nhiều mã SKU khiến việc ghi nhớ trở nên khó khăn. Với mỗi sản phẩm, bạn cần xác định thuộc tính (đặc điểm) quan trọng nhất để đưa vào mã SKU, khác biệt với các sản phẩm khác. Ngoài ra, việc xác định được điểm đặc biệt của sản phẩm cũng giúp việc tìm kiếm đơn giản hơn.
4. Thay đổi mã SKU cho sản phẩm
Bạn có thể thay đổi mã SKU sản phẩm nhưng việc này là không khuyến khích. Mặc dù Amazon cho phép người bán thay đổi mã SKU nhưng có thể gây ra nhiều vấn đề như:
- Mất dữ liệu: Doanh số bán hàng và dữ liệu hiệu suất trước đây được liên kết với mã SKU gốc không được chuyển sang mã SKU mới.
- Nhầm lẫn trong quản lý hàng tồn kho: Việc thay đổi mã SKU có thể khiến hệ thống quản lý kho của Amazon bị nhầm lẫn, dẫn đến sai sót trong việc theo dõi và cập nhật hàng tồn kho.
Vì vậy, lời khuyên dành cho các nhà bán hàng là nên tránh thay đổi mã SKU nếu có thể. Thay vào đó, hãy sử dụng các phương pháp khác để quản lý sản phẩm như tạo các biến thể sản phẩm hoặc sử dụng mã SKU bổ sung.
5. Sắp xếp các trường thông tin trong mã SKU
Làm thế nào để biết nên đưa những thông tin nào vào mã SKU hay sắp xếp thế nào để dễ nhớ? Cách đơn giản nhất là bạn phân loại sản phẩm thế nào thì làm tương tự như vậy. Nên đặt mã theo quy tắc “lớn đến nhỏ” cho tất cá các mã SKU để khi nhìn bất cứ mã SKU nào thì bạn sẽ dễ dàng định danh được sản phẩm đó nhanh chóng.
Ví dụ về sản phẩm máy tính, hãy bắt đầu bằng danh mục sản phẩm là “đồ điện tử” bạn ký hiệu là E và tiếp theo đến loại sản phẩm là “laptop” ký hiệu là L. Sau đó đến thương hiệu, ví dụ là máy tính ASUS thì bạn ký hiệu là ASUS, kích thước màn hình là 14” ký hiệu là 14 và cuối cùng là core i7 ký hiệu là i7… Cứ như vậy, bạn sẽ có 1 mã SKU cho sản phẩm Laptop Asus 14’’ core i7 là ELASUS14i7.
6. Seller SKU không phải mã vạch trên sản phẩm
Seller SKU không phải mã vạch trên sản phẩm. Mã vạch là một dãy các ký tự quang học được sử dụng để xác định sản phẩm, thường được in trên bao bì của mặt hàng và có thể được quét bằng máy quét mã vạch để đọc thông tin như tên, giá cả và nhà sản xuất. Trong khi đó, mã SKU là một mã định danh do người bán tạo ra để theo dõi sản phẩm trong hệ thống nội bộ. Hai loại mã này là hoàn toàn khác nhau, mã vạch được sử dụng để giao tiếp thông tin về sản phẩm với các hệ thống bên ngoài và mã SKU được dùng cho hệ thống nội bộ của người bán.
Lời kết
Trên đây là những điều cơ bản về Seller SKU là gì trên Amazon dành cho người bán hàng. Nắm vững các thông tin trên, người bán sẽ không còn cảm thấy khó khăn khi tạo mã SKU cho sản phẩm của mình để thuận lợi bứt phá kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử lớn này.
Để xem các thông tin khác về Amazon và bán hàng trên Amazon, đừng ngại ghé blog của BurgerPrints. Ngoài ra, dropshipper kinh doanh Print on Demand trên Amazon thì có thể ủng hộ chúng tôi bằng cách sử dụng dịch vụ fulfillment trọn gói của BurgerPrints. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành, BurgerPrints tự hào là đối tác tin cậy, giúp các seller Print on Demand giải quyết mọi vấn đề hậu cần một cách chuyên nghiệp và hiệu quả:
- Chất lượng in vượt trội: BurgerPrints cam kết chất lượng sản phẩm cao cấp, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng của bạn.
- Catalogue đa dạng: BurgerPrints cung cấp đa dạng sản phẩm chưa qua POD thuộc nhiều ngành hàng khác nhau, đáp ứng mọi nhu cầu của bạn, từ áo thun, cốc, tote bag đến phụ kiện thời trang, đồ gia dụng…
- Đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp: Đội ngũ nhân viên BurgerPrints nhiệt tình, giàu kinh nghiệm, sẵn sàng hỗ trợ bạn 24/7, giải đáp mọi thắc mắc và giúp bạn giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Liên hệ BurgerPrints ngay hôm nay để nhận được tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình nhất nhé!