Việc cải thiện sức khỏe tinh thần cho nhân viên là mối quan tâm của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Một tập thể sở hữu sức khỏe thể chất và tinh thần tốt là nền tảng tiên quyết để hoàn thành mục tiêu trong công việc. Các Seller hãy cùng tìm hiểu các chiến lược cải thiện tinh thần cho nhân viên dưới đây.
1. Lợi ích của việc nâng cao sức khỏe tinh thần cho nhân viên
Rất ít công ty tại Việt Nam đánh giá đúng vai trò của sức khỏe tinh thần của nhân sự. Sau thời kỳ đại dịch, với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, sức khỏe tinh thần của nhân viên ngày một được quan tâm hơn.
1.1 Điểm thu hút nhân sự tài năng
Mọi công ty muốn phát triển đều cần phải có những nhân sự giỏi. Hầu hết mọi người cho rằng, điều tiên quyết để giữ người tài là tiền lương. Tuy nhiên, thực tế lương không phải ưu tiên hàng đầu. Cùng một mức lương nhưng nếu chế độ phúc lợi chăm sóc đời sống tốt hơn sẽ luôn được ưu tiên.
Nhiều khảo sát cho thấy rằng, môi trường làm việc mới là yếu tố khiến họ cân nhắc. Điều này bao gồm Đội ngũ lãnh đạo, văn hóa và chế độ phúc lợi của công ty. Chế độ phúc lợi đầy đủ sẽ tạo ra một công ty uy tín trong mắt người lao động. Đây cũng là điều khiến họ tự hào khi giới thiệu công ty với bạn bè, người thân.
1.2 Nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên
Nhân viên gặp phải vấn đề căng thẳng đồng nghĩa với việc giảm hiệu quả làm việc. Từ đó, số ngày nghỉ cũng sẽ gia tăng. Tình trạng kéo dài có thể gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp. Việc cải thiện sức khỏe tinh thần cho nhân viên sẽ là cách tốt để giải quyết vấn đề này. Một môi trường làm việc tích cực, nhân viên sẽ có xu hướng muốn đi làm nhiều hơn. Từ đó, họ cũng sẽ có tinh thần cao hơn trong việc tăng năng suất làm việc.
1.3 Tạo sự gắn kết trong tập thể công ty, doanh nghiệp
Một công ty có các hoạt động cải thiện tinh thần cho nhân viên, chắc chắn sẽ tạo được một lực lượng lao động gắn bó. Qua mỗi hoạt động, nhân viên trong cả công ty có nhiều cơ hội giao lưu để tương tác về nhiều chủ đề hơn chứ không chỉ trong công việc. Đây mới chính là yếu tố giúp họ mở lòng, xóa bỏ các rào cản. Hay thậm chí phá tan các xích mích, hiểu nhầm xảy ra trong công việc.
Việc gắn kết giữa các nhân viên tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, tích cực. Và đó là một yếu tố quan trọng đem lại hiệu quả cao trong công việc.
2. 10 bước chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên mà nhà lãnh đạo cần biết
Trước bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao, nhân sự trong bất cứ ngành nào cũng chịu những áp lực cực kỳ lớn. Trong đó phải kể đến nhân sự trong ngành POD. Do tính chất công việc đòi hỏi sự sáng tạo, các Seller luôn trong tình trạng căng thẳng cực độ. Điều này khiến nhân sự trở nên kiệt sức về mặt cảm xúc, dẫn đến thiếu động lực và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa công ty
Với cương vị là một nhà lãnh đạo, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên là điều vô cùng quan trọng trong việc giữ chân nhân tài và gián tiếp mang lại nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Nhân tháng 5 là tháng nhận thức về Mental health (Sức khỏe tinh thần) tại US, hãy cùng tham khảo 10 bước cải thiện sức khỏe tinh thần dưới đây.
2.1 Xây dựng văn hóa làm việc tích cực
Văn hóa làm việc công ty là một yếu tố vô cùng quan trọng. Nó quyết định phần lớn tới hiệu quả và thái độ làm việc của nhân viên. Và cũng là chất xúc tác cho tinh thần đoàn kết của nhân viên trong công ty. Muốn cải thiện sức khỏe tinh thần cho nhân viên, bạn cần xây dựng văn hóa làm việc tích cực.
Để xây dựng một văn hóa làm việc tích cực cho nhân viên, bạn cần chú ý những điều sau:
- Tích cực tham gia vào đào tạo, hỗ trợ nhân viên mới: Nhân sự mới sẽ cảm thấy an tâm hơn nếu được hỗ trợ và giúp đỡ nhiệt tình. Cách này cũng giúp tạo niềm tin và xóa bỏ đi rào cản cũ – mới giữa các nhân viên.
- Có lộ trình thăng tiến minh bạch, rõ ràng: Nhân viên sẽ luôn hiểu phải phấn đấu ra sao để đạt được thăng tiến trong công việc. Sử dụng các công cụ đo lượng minh bạch, công bằng để nhân viên không cảm thấy băn khoăn. Điều này không chỉ giúp họ và còn giúp công ty tăng trưởng.
- Công nhận sự cố gắng và thành công của nhân viên: Xây dựng chế độ thưởng “nóng” dành cho những nhân viên đạt hiệu quả cao trong công việc, dự án. Hãy tạo một “group” nơi bạn và nhân viên khác có thể cùng chúc mừng thành tích của nhau.
- Tuyển dụng đúng và phù hợp: Hãy thành thật với ứng viên để tìm ra những người phù hợp nhất với công ty. Đừng quá phô trương hay khiến ứng viên ngộp thở vì những gì bạn yêu cầu, đòi hỏi từ họ.
- Tôn trọng và đề cao cá tính và sự khác biệt: Một văn hóa tích cực là văn hóa tôn trọng và thân thiện với tất cả mọi người. Giữa các nhân sự không có sự phân biệt về ngoại hình hay bài trừ về nguồn gốc, tính cách. Đây là một cách hiệu quả để cải thiện sức khỏe tinh thần cho nhân viên của bạn.
2.2 Hỗ trợ tài chính
Vấn đề tài chính dài hay ngắn hạn đều có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tinh thần của nhân viên. Nhiều người thậm chí còn đang gánh trên vai nhiều khoản nợ. Bạn có thể thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính cho nhân viên của mình. Điều này giúp họ có một tâm trạng tốt hơn để thoải mái làm việc.
Chính sách tài chính có thể bao gồm việc chi trả các khoản đào tạo bổ túc về công việc. Hay hỗ trợ trả tiền nhà, tiền mua các thiết bị phục vụ cho công việc, đời sống. Bạn có thể hỗ trợ thông qua việc thưởng nóng cho các nhân viên có thành tích trong công việc.
2.3 Giáo dục và đào tạo
Hãy luôn quan tâm tới việc nâng cao trình độ của nhân viên. Điều này suy cho cùng rất có lợi cho doanh nghiệp của bạn. Bạn hãy tích cực hỗ trợ cho nhân viên tham gia các khóa học, đào tạo nâng cao nghiệp vụ.
2.4 Môi trường làm việc linh họat
Sau đai dịch, mọi người dần linh hoạt hơn trong hình thức làm việc. Rất nhiều nhân viên cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc tại nhà. Việc đáp ứng nhu cầu này của nhân viên sẽ giúp họ có tâm lý tốt công việc. Hãy cho họ cơ hội vượt ra ngoài 4 bức tường văn phòng. Các buổi làm việc online trong tháng sẽ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần cho nhân viên hiệu quả.
2.5 Chính sách đãi ngộ
Có rất nhiều nhân viên cảm thấy buồn khi sự phấn đấu của mình không được sếp công nhận. Nhân viên rất muốn được lãnh đạo thấy và hiệu sự nỗ lực và thành tích của mình. Vì vậy, bên cạnh tiền lương, công ty nên xây dựng chính sách thưởng thêm vì sự nỗ lực của nhân viên là rất đáng quý. Việc nhận được đãi ngộ tốt sẽ giúp tăng sự hạnh phúc của nhân viên, liên quan trực tiếp đến năng suất và động lực làm việc.
2.6 Thuê các chuyên gia trị liệu tâm lý
Công việc căng thẳng, áp lực là điều mà ai đi làm cũng sẽ gặp phải. Bạn có thể mời các chuyên gia tâm lý hỗ trợ cải thiện sức khỏe tinh thần cho nhân viên. Các chuyên gia có thể tư vấn cho các nhân viên khi họ cảm thấy có vấn đề tâm lý. Hoặc các chuyên gia có thể tổ chức các buổi trị liệu tập thể. Nhân viên sau những giờ làm việc căng thẳng sẽ cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn.
2.7 Tiện ích trong công ty
Tiện ích trong công ty cũng là yếu tố quan trọng tác động đến tinh thần và hiệu quả làm việc của nhân viên. Theo đó, một công ty đầu tư máy móc, trang thiết bị đầy đủ, cũng như có khu pantry thư giãn riêng biệt sẽ giúp cho nhân viên an tâm hơn khi làm việc tại đây.
Sự kết nối và sáng tạo giữa người với người đóng vai trò then chốt trong một tập thể. Nếu đi theo lối cũ – tiết kiệm chi phí đầu tư vào không gian làm việc, khiến nhân viên mất đi cơ hội tương tác với nhau, điều này sẽ trở nên thật tệ hại!
Với mục tiêu mang lại một môi trường làm việc hạnh phúc cho nhân viên, thay đổi diện mạo văn phòng là bước đi đầu tiên để các công ty tạo ra môi trường đủ hấp dẫn để giữ chân nhân tài.
2.8 Tổ chức các hoạt động ngoài trời, tập thể tăng tình gắn kết
Các hoạt động thể chất, ngoài trời hiệu quả sẽ cải thiện sức khỏe tinh thần của nhân viên. Cũng tương tự như tập luyện thể thao, hoạt động tập thể thể chất rất cần thiết cho tinh thần.
Bạn có thể tổ chức các buổi đi chơi, du lịch ngắn hay dài ngày. Ở đây, nhân viên được thoải mái tham gia các hoạt động vui chơi tập thể. Họ được gạt bỏ hoàn toàn các áp lực công việc. Điều này còn tăng tinh thần đoàn kết và gắn kết giữa các thành viên của công ty. Sự gắn kết này sẽ cải thiện sức khỏe tinh thần cho nhân viên rất hiệu quả.
2.9 Cung cấp quyền tự chủ
Sự tự chủ trong công việc giúp nhân viên tự kiểm soát và lên các kế hoạch dự phòng trong tương lai. Bạn là lãnh đạo và bạn trao quyền tự chủ cho nhân viên. Điều này đồng nghĩa với việc bạn hoàn toàn tin tưởng nhân viên của mình. Họ sẽ có trách nhiệm hơn, thoải mái hơn khi làm việc.
Khi đã trao quyền tự chủ cho nhân viên, bạn cũng không nên quá căng thẳng với những sai lầm. Bạn nên đồng hành cùng họ để rút ra những bài học kinh nghiệm.
Việc tự chủ trong công việc sẽ không tránh khỏi những vướng mắc. Bạn cũng nên dành thời gian để hỗ trợ và giải đáp những băn khoăn của nhân viên. Điều này cũng giúp họ yên tâm hơn khi tự mình quyết định.
2.10 Hoạt động gắn kết
Các hoạt động gắn kết thường xuyên sẽ tạo ra một môi trường thoải mái. Môi trường tích cực sẽ cải thiện sức khỏe tinh thần cho nhân viên. Có rất nhiều cách để bạn cải thiện các hoạt động gắn kết này. Chẳng hạn như:
- Khuyến khích những đóng góp dành cho công việc của tập thể. Nhân viên sẽ cảm thấy được lắng nghe và công nhận ý kiến.
- Nâng cao tinh thần đội nhóm bằng việc tạo những nhóm có cùng dự án làm việc. Hoặc bạn có thể lập các câu lạc bộ trong công ty có cùng sở thích hay phong cách.
- Hãy khuyến khích mọi người được thể hiện khả năng lãnh đạo để tham gia vào các hoạt động nhóm. Bạn có thể xóa bỏ các rào cản giữa các nhân viên. Họ cũng sẽ tự tin hơn khi đưa ra ý kiến riêng của mình.
- Tổ chức các trò chơi tập thể nhỏ trong quá trình làm việc. Điều này không chỉ giúp giải tỏa căng thẳng. Bạn cũng sẽ giúp nhân viên gần gũi với nhau hơn. Họ có thể cũng sẽ gỡ bỏ được những hiểu nhầm, xích mích.
Cải thiện sức khỏe tinh thần cho nhân viên ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Điều này cho thấy sự thay đổi tích cực trong việc nâng cao quyền lợi của người lao động tại Việt Nam. Hy vọng những gợi ý trong bài viết sẽ phù hợp với bối cảnh doanh nghiệp của Anh chị và có thể sớm được triển khai.